Có nên mua Toyota Hilux cũ?

Có nên mua Toyota Hilux cũ?

Việc mất vị thế ở thị trường xe mới khiến Toyota Hilux cũng không được nhiều người “săn đón” ở thị trường xe cũ như các mẫu bán tải khác. Vậy có nên mua xe Hilux cũ không?

Ưu điểm xe Toyota Hilux cũ

Là một sản phẩm đến từ Toyota Nhật Bản, theo đánh giá Toyota Hilux, mẫu xe này cũng được thừa hưởng khá nhiều những ưu điểm nổi tiếng của các mẫu xe Toyota nói chung.

Độ bền tốt

Xe Toyota từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới về sự bền bỉ. Với mẫu xe bán tải Toyota Hilux cũng tương tự. Nhiều thợ lành nghề đánh giá xe Toyota Hilux cũ rất cao tốt về độ bền máy, độ bền hộp số cũng như các tiện ích khác. Hilux ít khi xảy ra tình trạng hỏng vặt và cũng không đòi hỏi quá nhiều về việc bảo dưỡng định kỳ. Đây chính là thế mạnh giúp Hilux vẫn có chỗ đứng ở phân khúc xe bán tải cũ trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Xem thêm:

  • So sánh Mitsubishi Triton và Toyota Hilux
  • So sánh Hilux và Navara
  • Có nên mua Toyota Hilux 2015

Mẫu bán tải Toyota Hilux cũ

Mẫu bán tải Toyota Hilux cũ

Giữ giá tốt

Đây chắc chắc là một trong những ưu điểm mà Hilux có được từ thương hiệu lâu năm Toyota. Xe Hilux cũ chỉ cần được giữ gìn cẩn thận thì vẫn có thể bán được giá rất tốt, không bị hao hụt nhiều sau vài năm sử dụng. Có thể khẳng định rằng, việc giữ giá chính là một trong những yếu tố mang tính thu hút cao với người mua xe bán tải Hilux cũ.

Tiết kiệm nhiên liệu

Rất nhiều chủ xe quan niệm rằng nếu đã mua chiếc xe “tiền tỷ” thì không nên quá quan tâm tới việc “ăn uống” của xe. Tuy nhiên, trong thực tế, phí nhiên liệu là một trong những khoản chỉ lớn nhất khi xe vận hành và nếu tính theo đơn vị năm thì đây cũng là một con số khá khổng lồ. Bởi vậy, giữa một thị trường xe bán tải “ngốn” dầu thì xe Toyota Hilux cũ cũng được coi là một điểm sáng về phương diện tiết kiệm nhiên liệu.

Hilux cũ có mức tiêu hao nhiên liệu khá thấp

Hilux cũ có mức tiêu hao nhiên liệu khá thấp

Theo nhiều chủ xe, mức tiêu hao nhiên liệu Hilux cũ khá thấp. Chẳng hạn, xe Toyota Hilux 2012 cũ chạy đường trường tốn khoảng 7L/100km và khoảng 8L/100km đường đối núi. Nếu thao tác “chuẩn” và áp dụng thêm những mẹo chạy xe tiết kiệm nhiên liệu thì mức tiêu hao còn có thể thấp hơn con số trên.

Thích nghi với đa dạng địa hình

Toyota Hilux được thiết kế với khoảng sáng gầm khá lớn 222mm (Toyota Hilux 2017) trong khi đó đối thủ mẫu xe bán tải Ford Ranger là 200mm. Do vậy, Hilux được đánh giá là thích nghi rất tốt với đa dạng các loại địa hình khác nhau và đổ đèo tốt nhờ trọng tâm vững.

Toyota Hilux có khả năng thích nghi tốt với nhiều địa hình

Toyota Hilux có khả năng thích nghi tốt với nhiều địa hình

Nhược điểm xe Toyota Hilux cũ

Không phải ngẫu nhiên mà Toyota Hilux dần bị thị trường “lạnh nhạt” và liên tục lọt top “xe ế”. Nguyên nhân là bởi mẫu xe Toyota Hilux cũ này vẫn còn khá nhiều các nhược điểm nếu so sánh với các mẫu bán tải khác cùng phân khúc.

Chậm cải tiến

Có lẽ sự thành công của các mẫu xe chủ lực như xe Toyota Vios, xe Innova cũ, xe Toyota Fortuner… cũng đã khiến hãng Toyota phần nào “quên” đi mẫu xe bán tải Hilux. Mẫu xe này không quá thay đổi cả về mặt thiết kế lẫn tiện ích, công nghệ và đặc biệt là động cơ trong suốt nhiều năm. Thực tế này đã khiến Hilux thua kém các đối thủ đặc biệt về tiện ích và công nghệ nếu so sánh cùng đời.

Ít phiên bản để lựa chọn

Toyota Hilux cũ đã qua sử dụng có rất ít sự lựa chọn về động cơ và hộp số để người dùng cân nhắc. Hãng chỉ cung cấp vẻn vẹn 3 phiên bản: 4x4AT, 4x4MT và 4x2MT với cùng một loại động cơ 2.8L. Việc thiếu đi phiên bản 4x2AT cũng phần nào khiến Hilux kém hấp dẫn và kém đa dạng. Nếu nhìn sang các đối thủ, sự “nghèo” phiên bản này còn thể hiện rất rõ khi Ford Ranger cung cấp từ 6 – 7 phiên bản, Mitsubishi Triton có đến 5 phiên bản, Isuzu D-max có 5 phiên bản…

Ít tiện ích nổi bật nhưng giá bán lại quá cao

Giá cao so với trải nghiệm trang bị thực tế của xe vẫn luôn là một vấn đề được các chủ xe nhắc nhiều mỗi khi nói đến Toyota. Với dòng Hilux cũng tương tự như vậy, ở năm 2017, bản xe Hilux 2.8G 4×4 AT là cao cấp nhất và được bán với giá 870 triệu đồng. Nhưng khi so sánh Hilux và Ranger, bản xe này của Hilux thua kém đối thủ Ford Wildtrak 2.2L 4×4 AT rất xa về mặt công nghệ và tiện ích trong khi đối thủ chỉ được bán với giá 866 triệu đồng.

Khu vực điều khiển xe Hilux 2016 với khá ít tiện ích

Khu vực điều khiển xe Hilux 2016 với khá ít tiện ích

Toyota Hilux 2.8G 4×4 MT 2017 ở thời điểm ra mắt được bán với giá 806 triệu đồng. Tuy nhiên, 4×4 MT cũng không được đánh giá cao bằng đối thủ Chevrolet Colorado LTZ 2.8AT 4×4 có giá bán tương tự. Nguyên nhân là bởi chiếc xe của Chevrolet có ưu thế hơn khi dùng nội thất bọc da “xịn”, hộp số tự động và có cả công nghệ Mylink nhiều tiện ích mới nhất của Chevrolet.

Đòi hỏi người điều khiển xe phải thao tác “chuẩn”

Bởi ít hơn các đối thủ về mặt công nghệ và tiện ích hỗ trợ nên khi mua Toyota Hilux đời cũ, chủ xe cũng cần lưu tâm đến vấn đề thao tác điều khiển xe để bảo đảm an toàn khi xe vận hành. Với phiên bản số sàn, thân xe dài và khả năng tăng tốc không tốt nên cần “nuôi đà” và tính quãng thời gian “chạy đà” tốt trước khi lên dốc. Vô lăng, hộp số, các chân điều khiển mặc dù đã có trợ lực nên vẫn khá nặng và cần phải có độ chính xác cao trong thao tác để các đoạn vào cua và vượt xe được an toàn.

Xem thêm:

  • Danh sách đại lý xe ô tô trên toàn quốc
  • Bảng giá xe ô tô các hãng cập nhật mới nhất tại Việt Nam

Hilux là chiếc xe khá khó điều khiển nên cần người dùng phải thao tác “chuẩn”

Hilux là chiếc xe khá khó điều khiển nên cần người dùng phải thao tác “chuẩn”

Bởi ưu nhược điểm cân bằng nên không hề dễ dàng để các chủ xe quyết định có nên mua xe ô tô cũ Hilux hay không. Tuy nhiên, nếu bạn cần một mẫu bán tải vận hành đầm, chắc, bền, giữ giá để phục vụ các nhu cầu chuyên chở hàng hóa trong gia đình, kinh doanh thì có thể cân nhắc lựa chọn Toyota Hilux cũ. Còn nếu bạn yêu cầu nhiều hơn ở chiếc xe của mình như tiện ích, công nghệ an toàn, nhiều sự lựa chọn… thì nên chọn “ông vua bán tải” Ford Ranger cũ hoặc một vài mẫu bán tải bán chạy khác trên thị trường như Triton, Navara, D-max…

Kinh nghiệm mua xe Toyota Hilux cũ

Với Toyota Hilux cũ đời 2016 – 2017, bởi chỉ mới sử dụng được ít năm nên thường chưa xuất hiện các vấn đề về động cơ và chủ xe có thể tiếp tục dùng xe luôn sau khi mua. Còn với xe đời từ 2009 – 2015, theo những kinh nghiệm mua xe bán tải cũ của nhiều chủ xe và thợ sửa xe lâu năm, người mua cần lưu ý những vấn đề như:

Tiếng ồn động cơ

Tiếng ồn phát ra từ động cơ xe là một trong những “đặc trưng” của dòng xe bán tải máy dầu cũ. Tuy nhiên, nếu xe phát ra tiếng ồn nhiều hoặc các tiếng động lạ như tiếng lạch cạch thì bạn cần phải lưu tâm để kiểm tra chuyên sâu, tránh trường hợp mua phải chiếc xe có máy đã xuống cấp hoặc có quá nhiều chi tiết cần thay mới.

Kiểm tra khoang động cơ và lắng nghe tiếng máy nổ xem có âm thanh lạ hay khôngKiểm tra khoang động cơ và lắng nghe tiếng máy nổ xem có âm thanh lạ hay không

Ngoài việc lắng nghe tiếng máy xe nổ để “thẩm âm”, một lưu ý khi mua xe bán tải cũ rất quan trọng mà người dùng cần biết chính là để ý âm thanh vọng vào cabin khi động cơ xe vận hành trên đường. Có khá nhiều trường hợp khi nổ máy không có âm thanh lạ, nhưng khi xe vận hành thực tế hoặc tăng tốc nhanh thì những tiếng lạch cạch từ động cơ, hộp số… mới phát ra rõ ràng và cho thấy động cơ xe đang có vấn đề. Nếu bạn bỏ qua điều này, bạn hoàn toàn có thể mua phải chiếc xe bán tải Hilux cũ phát ra “tiếng kêu lạch cạch như máy xe công nông” như nhiều chủ xe gặp phải, đặc biệt là từ đời xe Hilux 2012 cũ trở về trước.

Hệ thống tản nhiệt

Quá nhiệt cũng là tình trạng thường gặp với xe bán tải máy dầu. Nếu hệ thống tản nhiệt của động cơ gặp trục trặc thì các chi tiết trong khoang máy sẽ rất nhanh xuống cấp và người mua xe phải chi thêm rất nhiều tiền cho việc sửa chữa lại động cơ. Vì vậy, ngay khi mở nắp capo kiểm tra xe Toyota Hilux cũ, bạn cần để ý tới các chi tiết bằng nhựa, các dây dẫn hoặc thậm chí là các ốc vít xem có tình trạng quá nhiệt gây nứt vỡ, biến màu, hoen gỉ… hay không. Nếu có, bạn cần tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hơn để xem chất lượng thực còn lại của động cơ, tránh mua phải máy xe đã kém với giá đắt.

Cần kiểm tra xem hệ thống động cơ có thường xuyên bị quá nhiệt hay khôngCần kiểm tra xem hệ thống động cơ có thường xuyên bị quá nhiệt hay không

Đánh giá tổng thể

Bên cạnh việc kiểm tra động cơ khi mua xe cũ, bạn cũng cần lưu tâm đến những bộ phận khác của chiếc xe như: thân vỏ, khung gầm, nội thất… Nếu máy xe Hilux cũ còn tốt mà những bộ phận này đã có dấu hiệu xuống cấp, bạn nên cân nhắc bởi chi phí nâng cấp nội thất hay làm lại khung vỏ đôi khi còn đắt đỏ hơn nhiều so với việc làm lại máy xe. 

Ngoài ra, biện pháp đơn giản nhất để đánh giá chính xác tình trạng động cơ, khung gầm… của chiếc xe chính là chạy thử. Với Toyota Hilux, bên cạnh việc chạy trong phố, bạn nên thử thêm với đường trường, đường đèo dốc và thử khả năng vận hành của động cơ khi chở đầy hành lý. Nếu xe chạy êm, mượt khi chở nặng thì đông nghĩa với việc máy xe vẫn rất chất lượng, bền bỉ và đáng mua.

Những dấu hiệu xuống cấp ở thân vỏ có thể khiến bạn phải chi trả nhiều tiền cho việc bảo dưỡngNhững dấu hiệu xuống cấp ở thân vỏ có thể khiến bạn phải chi trả nhiều tiền cho việc bảo dưỡng

Nếu bạn không biết nhiều về xe bán tải cũ, bạn đừng ngại chi tiền cho các xưởng sửa chữa, các công ty dịch vụ kiểm tra xe bởi “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Những đơn vị này sẽ giúp bạn đánh giá chính xác chất lượng của toàn bộ chiếc xe chứ không chỉ riêng động cơ, tư vấn giúp bạn một mức giá hợp lý với tình trạng chiếc xe hơi cũ Toyota Hilux. Từ đó, bạn sẽ không phải lo lắng việc chi nhiều tiền cho sửa xe trong tương lai.

Hiền Hà

0dc38cda0f2efd70a43f

Tin tức Suzuki Chính Hãng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện
Gọi điện

Messenger
Messenger

Chat Zalo
Chat Zalo